
Cẩm nang giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dành cho Developer “chất”
Developer có bao giờ cảm thấy lo lắng khi được nhà tuyển dụng yêu cầu giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh? Bạn thuộc tuýp Developer dùng duy nhất 1 mẫu giới thiệu trong suốt nhiều năm hay bạn sẽ tùy hứng nghĩ ra đoạn giới thiệu mà bạn nghĩ là phù hợp nhất ở thời điểm phỏng vấn?
Dù bạn thuộc tuýp Developer nào thì cũng hãy đảm bảo phần giới thiệu bản thân được diễn ra trong hoàn cảnh phù hợp và hội tụ đủ những yếu tố “đắt giá” – giúp bạn tỏa sáng ngay trong vòng phỏng vấn.
Vai trò của phần “Giới thiệu bản thân” trong buổi phỏng vấn
Giới thiệu bản thân là phần bắt buộc trong tất cả các buổi phỏng vấn và là phần giúp ứng viên gây ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng. Thông qua cách ứng viên giới thiệu về bản thân mình, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá phong thái, mức độ tự tin cũng như sự kết nối ban đầu.
Nếu có thể làm tốt ở giai đoạn này thì bạn sẽ càng có nhiều cơ hội thành công và dễ dàng ghi điểm với nhà tuyển dụng vì vốn dĩ ông bà ta vẫn có câu “Đầu xuôi, đuôi lọt”.
Khi nào thì nên giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh trước nhà tuyển dụng?
Không ít ứng viên muốn tạo sự khác biệt và thể hiện trình độ tiếng Anh ưu tú của mình với nhà tuyển dụng nên vẫn lựa chọn giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dù ứng tuyển cho công ty Việt Nam và nhà tuyển dụng không yêu cầu.
Tuy nhiên, để phần giới thiệu mang lại hiệu quả cao nhất, bạn vẫn nên làm rõ với nhà tuyển dụng ngay từ đầu nếu không chắc chắn và chú ý đến các yếu tố xung quanh (ví dụ: bản mô tả công việc được đăng tuyển bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, yêu cầu công việc có đề cập đến việc sử dụng tiếng Anh hay không, có sếp người nước ngoài xuất hiện trong buổi phỏng vấn hay không…)
Thông thường, bạn chỉ nên giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh nếu nhà tuyển dụng chủ động mở lời hoặc họ trực tiếp đề nghị bạn bằng tiếng Anh ngay khi bước vào buổi phỏng vấn.
Bạn chuẩn bị có một buổi phỏng vấn với HR Manager?
Trọn bộ “bí kíp” chinh phục HR Manager (P1): Cần chuẩn bị gì trước khi tham gia phỏng vấn IT?
Trọn bộ “bí quyết” chinh phục HR Manager (P2): Kinh nghiệm phỏng vấn dành cho dân IT
Những lưu ý giúp Developer giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh chuyên nghiệp hơn
Luôn lấy vị trí bạn ứng tuyển làm trung tâm cho phần giới thiệu
Rất nhiều ứng viên (bao gồm Developer) lẫn lộn việc giữa việc giới thiệu bản thân trước đám đông và giới thiệu bản thân trong vòng phỏng vấn, trước nhà tuyển dụng.
Không nhận thức được sự khác biệt dẫn đến việc bạn chỉ giới thiệu những thông tin bên lề như họ tên, sở thích… mà quên đề cập đến kinh nghiệm làm việc hay những thông tin mang tính chất bắc cầu, có tính liên kết với vị trí bạn đang phỏng vấn. Trong khi đây lại là những thông tin quan trọng mà nhà tuyển dụng quan tâm. Bí quyết dành cho bạn là hãy luôn lấy vị trí ứng tuyển làm tiền đề triển khai cho các câu giới thiệu trong buổi phỏng vấn.
Chẳng hạn, sau khi giới thiệu tên tuổi, bạn có thể tiếp tục với các nội dung như ngành nghề tốt nghiệp (nếu có liên quan đến công việc), công việc hiện tại, công việc trong quá khứ và số năm kinh nghiệm, mục tiêu cho tương lai là gì và mục tiêu ngắn hạn khi bạn quyết định ứng tuyển công việc này là gì…
Bạn cũng có thể nói thêm về tính cách và các sở thích cá nhân, tuy nhiên, hãy thật khéo léo khi diễn đạt.
Ví dụ: Công việc bạn đang phỏng vấn là UI UX Developer => Bạn có thể chia sẻ bạn là người thích khám phá những điều mới mẻ, thường chú ý đến chi tiết và có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt. Sở thích của bạn là thiết kế, vẽ tranh, học code khi rảnh rỗi…
Tóm lại, phần giới thiệu của bạn càng có nhiều điểm tương đồng với yêu cầu của vị trí công việc thì bạn càng dễ gây thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Giới thiệu những thông tin cơ bản trước
Để phần giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh của bạn tăng tính thống nhất, bạn nên trình bày theo thứ tự thông tin từ cơ bản đến phức tạp hơn. Dưới đây là các phần thông tin cơ bản mà bạn có thể tham khảo:
- Họ và tên: Mặc dù trong CV đã có tên của bạn nhưng nhà tuyển dụng vẫn có thể cảm thấy mơ hồ vì không biết tên chính xác của bạn là gì (do không để dấu). Tốt hơn hết là bạn nên giới thiệu lại tên của mình một cách rõ ràng, rành mạch.
- Tuổi: Phần thông tin này không bắt buộc nhưng nếu cảm thấy thoải mái, bạn có thể chia sẻ với nhà tuyển dụng.
- Học vấn: Thông thường thì những người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc sẽ bỏ qua phần này, nhưng nếu bạn là người mới ra trường hoặc chỉ mới có 1,2 kinh nghiệm làm việc thì có thể giới thiệu thông tin này (nếu có liên quan đến vị trí ứng tuyển).
- Tính cách, sở thích: Nên ngắn gọn trong khoảng 2-3 từ đối với mỗi phần thông tin, không nên liệt kê quá nhiều.
Tham khảo: Hướng dẫn viết CV xin việc đảm bảo đậu vòng “xét duyệt CV” 100% đến từ Google
Áp dụng “công thức thần thánh”
Tiếp nối phần thông tin cơ bản là những thông tin đòi hỏi tính chọn lọc liên quan đến học vấn và kinh nghiệm làm việc. Nếu bạn vẫn đang chưa biết phải trình bày như thế nào thì ITviec gợi ý bạn 2 phương pháp sau đây.
- Công thức “Hiện tại – Quá khứ – Tương lai”
Đúng như tiêu đề, bạn sẽ tóm lược thông tin, sự kiện liên quan đến học vấn và công việc theo thứ tự xuất hiện ở hiện tại trước, rồi đến những gì đã diễn ra trong quá khứ, cuối cùng là những mong đợi, dự định cho tương lai gần (hoặc dài hạn).
Lưu ý: Hãy chỉ lựa chọn những kinh nghiệm liên quan nhất đến vị trí ứng tuyển và bỏ qua những thông tin không mang lại lợi ích gì trong buổi phỏng vấn.
Chẳng hạn: Bạn đang ứng tuyển vị trí Tester nhưng những công việc bạn từng làm trước kia lại là Sales Assistant hoặc Marketing Executive… thì bạn nên giản lược và đi thẳng đến những kinh nghiệm làm việc liên quan gần nhất.
- Công thức “Học vấn – Kinh nghiệm – Tương lai”
Nếu việc ghi nhớ sự kiện theo trình tự thời gian khiến bạn cảm thấy khó khăn thì mô hình từ FishBowl by GlassDoor có thể là sự lựa chọn giúp ích cho bạn lúc này: Học vấn – Kinh nghiệm – Tương lai.
Cụ thể thì bạn sẽ giới thiệu về học vấn của mình trước (trường học, ngành học, năm tốt nghiệp, điểm GPA…), tiếp đó là giới thiệu về các công việc trước đây bạn đã từng làm (kèm thành tích, giải thưởng, cống hiến của bạn ở từng công ty), cuối cùng là những mục tiêu bạn đặt ra trong thời gian sắp tới.
Những thông tin này sẽ giúp cho nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quát về mức độ phù hợp của bạn với vị trí họ đang tuyển dụng, họ phần nào cũng có đánh giá sơ bộ về năng lực cũng như tầm nhìn của bạn.
Chắc chắn sau đó, họ sẽ có thêm nhiều câu hỏi hóc búa để kiểm tra mức độ chân thật về những thông tin bạn vừa trình bày, vậy nên hãy đảm bảo những thông tin bạn vừa trình bày đúng với sự thật nhé.