blog image

CIO chia sẻ kinh nghiệm tham gia phỏng vấn chuyên môn IT dành cho ứng viên

Kiến thức nền tảng, kỹ năng và kinh nghiệm đúng là quan trọng thật, nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Vẫn còn những kỹ năng quan trọng khác bạn cần thể hiện trong một buổi phỏng vấn chuyên môn với Technical Manager nếu bạn muốn đậu phỏng vấn. Hãy để CIO chia sẻ với bạn những kinh nghiệm đi phỏng vấn IT quan trọng.

ITviec: Trước khi đến với buổi phỏng vấn chuyên môn, anh có thể chia sẻ những yếu tố mà ứng viên nên xác định trước khi đi phỏng vấn? Mục tiêu có được công việc hay học hỏi kinh nghiệm từ buổi phỏng vấn quan trọng hơn?

Nói đến vấn đề xác định, hầu hết, tôi thấy các bạn IT hiện nay còn mông lung, chưa xác định được mục tiêu công việc và con đường sự nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu có thể là do bắt nguồn từ công ty đầu tiên mà các bạn làm. Công ty đầu tiên thường ảnh hưởng đến các bạn rất nhiều.

Khi tham gia một công ty đủ lâu, văn hoá và cách làm của công ty đó sẽ trở thành nền tảng, thói quen của các bạn. Do vậy nếu tham gia vào các công ty không có định hướng, các bạn sau này rất dễ lạc lối, hoặc phải mất nhiều năm sau mới nhìn ra được chỗ lạc lối đó. Hậu quả là khi làm ở những môi trường như vậy, bạn sẽ bị phụ thuộc vào họ vì khi buông họ ra, bạn không biết nên đi đâu, làm gì tiếp theo.

Chính vì thế, tôi khuyên rằng các bạn không nên phụ thuộc vào công ty mà hãy phụ thuộc vào mục tiêu con đường sự nghiệp của bạn. Hãy xác định mỗi bước trên con đường sự nghiệp của các bạn cần những bộ kỹ năng gì, học hỏi như thế nào và học ở đâu. Từ đó, phát triển lên dần, và lựa chọn công ty phù hợp với mục tiêu đó.

Có 3 giá trị mà một ứng viên đang tìm việc nên quan tâm:

1. Môi trường – Là nơi bạn có thể sống được để mà làm việc và phát triển, học hỏi. Hãy tưởng tượng như ta là cá vậy, nếu bỏ cá vào nước nhiễm độc thì con cá đó sẽ chết trước khi phát triển được. Nước độc thì con cá sẽ chết. Hoặc mấy con cá trong đó không thể dung nạp bạn thì cũng không đành.

2. Cơ hội – Nhưng khi dù nước trong, đồ ăn đầy đủ, được chăm sóc mỗi ngày con cá sẽ béo tốt, nhưng lâu dần cũng thành cá kiểng không lớn mạnh được. Cá cần sóng. Cơ hội chính là sóng, có sóng mới có cá mập, có sóng mới có thách thức để trưởng thành. Và vượt sóng mới thành công.

Con cá dù có mập đến đâu nhưng bể cá nhỏ thì con cá cũng không phát triển được. Nên với một chút, chọn “kèo” trên, không nên chỉ chọn “kèo” dưới an toàn, không thử thách bản thân và nhổ giò được.

3. Thu nhập – Có những bạn tập trung vào lương từ công ty, “tiền tươi”, nhưng cũng có bạn nhìn được thu nhập. Thu nhập ở đây không phải chỉ là tiền lương, mà là giá trị nền tảng sinh ra từ Môi trường và Cơ hội ở trên, chuyển hóa thành giá trị Thu nhập cho hiện tại và tương lai ít nhất 3-5 năm sau.

Với tôi môi trường tốt và có nhiều cơ hội sẽ dẫn đến thu nhập trong tương lai. Hãy chọn làm những công ty có thể cho bạn cả 3 giá trị trên, chỉ ra được đường hướng sự nghiệp rõ ràng cho các bạn thì các bạn mới có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhờ vậy, nhân tài mới được dùng đúng chỗ, đúng việc, không bị lãng phí.

ITviec: Quy trình phỏng vấn chuyên môn sẽ diễn ra như thế nào?

Quy trình phỏng vấn chuyên môn sẽ tùy vào từng level của ứng viên:

  • Đối với Fresher/Junior: Làm kiểm tra loại tập trung trước, khoảng 30 đến 45 phút tối đa. Nếu đạt thì sẽ đến một vòng phỏng vấn chuyên môn trực tiếp với Technical Manager.
  • Đối với Experienced/Semi-Senior/Senior/Lead: Thông thường chỉ cần một vòng phỏng vấn trực tiếp với Technical Manager, cũng khoảng 45 phút tối đa, lâu quá nói dông dài. Ứng viên sẽ được kiểm tra bằng chính những yêu cầu hiện tại công ty đang cần thực thi, và các vấn đề kỹ thuật (giả định hoặc thực tế) trong những mảng họ chọn và phù hợp với công ty. 
  • Đối với vị trí Product Owner hoặc Business Analysis: Thông thường sẽ tối đa 2 vòng phỏng vấn chuyên môn. Ứng viên thường sẽ được yêu cầu trình bày về giải pháp, cách làm sau bài phỏng vấn đầu tiên.

Ngoài ra, tôi không có lời khuyên về quy trình sau phỏng vấn. Tôi tin rằng một người chuyên nghiệp là phải chuyên nghiệp trong quá trình làm việc rồi nên hãy cứ thể hiện tốt nhất trong quá trình phỏng vấn.

Còn việc viết thư cảm ơn lại mang tính thủ tục, mang tính “con người” hơn thì sẽ phù hợp khi các bạn phỏng vấn với HR. Technical Manager thường chỉ quan tâm đến chuyên môn của ứng viên.

Kết quả phỏng vấn sẽ có sau buổi phỏng vấn không quá 1 tuần. Thậm chí là ngay trong buổi phỏng vấn thì nhà tuyển dụng đã có kết quả rồi.

ITviec: Ứng viên nên chuẩn bị tâm lý như thế nào khi chuẩn bị tham gia phỏng vấn chuyên môn với Technical Manager?

Trước hết, các bạn nên hiểu rằng các bạn không phải đi xin việc mà là đang đi trao đổi về công việc.

Tôi muốn làm rõ rằng câu chuyện ở đây không phải là mình cố gắng xin cho được việc mà là giữa hai bên phải có sự trao đổi. Với những ứng viên biết rõ bản thân họ cũng như biết rõ về công việc, nếu trong trường hợp phỏng vấn thất bại thì họ cũng sẽ biết là không phải là họ dở mà là không phù hợp với công ty thôi.

Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp ứng viên đi “phỏng vấn thử”. Có nghĩa rằng ứng viên biết rằng họ không trúng tuyển được vào vị trí ấy nhưng họ vẫn đi phỏng vấn để biết được là công việc đó, vị trí đó cần những yêu cầu gì hay công ty đó như thế nào.

Tôi cũng đã từng đi phỏng vấn 20 công ty khác nhau cho cùng 1 vị trí để tôi hiểu được một cách toàn diện hơn về vị trí đó. Từ đó, với lần “phỏng vấn thật” tiếp theo, mình hoàn toàn có thể dẫn dắt được buổi phỏng vấn, chứ không còn ở tâm thế “đi xin” như ở trên nữa.

ITviec: Vì sao ứng viên nhất định phải tìm hiểu về công ty trước khi tham gia phỏng vấn?

Tôi đã từng nghe một vài ứng viên chia sẻ là “Em nghe bạn em nói công ty tốt, bạn em thích công ty nên em muốn ứng tuyển vào đây”. Tìm hiểu thông tin qua các mối quan hệ xung quanh là việc dễ hiểu, và cũng nên làm. Tuy nhiên, đó không nên chỉ là lý do duy nhất để ứng tuyển vào một công ty. Bạn em thích nhưng nếu em không thích thì sao, em không phù hợp thì như thế nào?

Chính vì thế, bạn cần phải hiểu rõ công việc muốn ứng tuyển là công việc như thế nào, đọc kỹ JD vị trí đó xem họ yêu cầu những gì; công ty đó là công ty như thế nào, làm trong lĩnh vực gì, hoạt động ra sao,…

Nếu bạn chưa thể tìm hiểu hoàn toàn đầy đủ về những gì muốn biết, cũng đừng lo lắng, bạn có thể hỏi lại công ty trong buổi phỏng vấn. Phải chuẩn bị trước những điều các bạn nên hỏi công ty. Những vấn đề các bạn ứng viên nên hỏi:

  • Môi trường làm việc như thế nào, đặc biệt sau khi “chuyển đổi” hậu COVID-19 như thế này.
  • Lộ trình công việc, cơ hội thăng tiến: Làm xong dự án thì sao, Làm sao để thăng tiến.
  • Tổng thu nhập là gì, không chỉ là về lương. Tôi sẽ chia sẻ về vấn đề này kỹ hơn ở phần tiếp theo trong bài viết.

Với những ứng viên đã có sự chuẩn bị kiến thức, kết hợp với sự chuẩn bị tâm lý đã nêu trên, thì họ sẽ rất thoải mái và buổi phỏng vấn diễn ra rất nhanh. Họ nêu rõ được kiến thức của họ về công ty. Họ biết được công ty cần người như thế nào và đồng thời, họ có những câu hỏi dành cho công ty để làm rõ những thắc mắc cụ thể từ phía họ. Những ứng viên như vậy hoàn toàn có thể chuyển từ một buổi công ty phỏng vấn bạn thành bạn phỏng vấn công ty.